Tổng quan Kinh_tế_Cộng_hòa_Dân_chủ_Nhân_dân_Triều_Tiên

Quang cảnh tại nông trang tập thể Chonsam, Wonsan, CHDCND Triều Tiên

Đất nướccon người Triều Tiên luôn toát lên một vẻ bí ẩn khó đoán, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên cũng nằm trong tình trạng đó do mức độ biệt lập cao do đó có nhiều điều lôi cuốn sự quan tâm về tình hình, nguồn thu nhập của đất nước này và câu hỏi CHDCND Triều Tiên kiếm tiền từ đâu luôn được đặc biệt chú ý. Các thông tin về kinh tế của CHDCND Triều Tiên được đánh giá là rất hạn chế và Chính phủ Triều Tiên không bao giờ công bố số liệu thống kê thương mại chính thức cũng như các chỉ số phát triển của mình. Các thông tin thu thập được về nền kinh tế nước này chủ yếu thông qua đánh giá nước ngoài và chỉ mang tính ước đoán.[21]

Các số liệu về kinh tế CHDCND Triều Tiên được thu thập và ấn định thông qua việc điều tra, công bố của các quốc gia và tổ chức liên quan nhất là Cơ quan tình báo Hoa Kỳ - CIA thông qua việc công bố của The World Factbook (là tổ chức cung cấp ấn bản phẩm thường niên của CIA Hoa Kỳ theo kiểu thông tin niên giám về các quốc gia trên thế giới), đồng thời thông qua nhiều đánh giá, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế phương Tây như Tổ chức Kinh tế Angus Maddison, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên Hiệp quốc (FAO, UNICEF)… Đặc biệt, hàng năm Hàn Quốc vẫn công bố những dữ liệu về kinh tế Triều Tiên mà mình thu thập được để so sánh tốc độ tăng trưởng qua các năm nhằm tính toán những chi phí cần thiết cho một cuộc tái thống nhất hai miền, tuy vậy, những con số được ngân hàng trung ương Hàn Quốc đưa ra chủ yếu thông qua các nguồn tin tình báo như từ Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc và các Viện nghiên cứu về miền Bắc của Hàn Quốc hoặc ước chừng,[22] đồng thời thôngtin lại phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.[23]

Trong lịch sử, CHDCND Triều Tiên từng được mệnh danh là nước công nghiệp mạnh có thể sánh ngang hàng với Nhật Bản và vượt Hàn Quốc. Thời hoàng kim diễn ra vào thập kỷ 60, 70 thế kỷ XX, CHDCND Triều Tiên đã từng cùng Nhật Bản được coi là hai nước công nghiệp lớn của châu Á, là một trong những quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất ở khu vực Đông Á, GDP của Triều Tiên lúc đó không những cao hơn Trung Quốc, mà còn cao hơn cả Hàn Quốc. Nhưng trong cuối thập niên 1980, tình hình kinh tế của CHDCND Triều Tiên lại đi xuống, thiếu lương thực trở thành vấn đề nan giải, kinh tế công nghiệp lại càng tồi tệ hơn.[24]. Đến đầu thập niên 2000, kinh tế CHDCND Triều Tiên khởi sắc hơn, nhưng nước này vẫn chưa thể đạt tới vị thế từng có trong giai đoạn hoàng kim ở thập niên 1970.

Dù có tham vọng tự cung tự cấp theo tư tưởng Chủ thể nhưng CHDCND Triều Tiên đã liên tục phải dựa vào sự hỗ trợ kinh tế từ các quốc gia khác. Về mặt lịch sử, CHDCND Triều Tiên nhận được hầu hết sự giúp đỡ từ Liên bang Xô viết cho tới khi nước này sụp đổ năm 1991. Trong giai đoạn sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, CHDCND Triều Tiên dựa vào sự hỗ trợ và các khoản vay từ các quốc gia anh em từ 1953-1963 và cũng phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ công nghiệp Liên Xô từ 1953-1976. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên rơi vào khủng hoảng, với những thất bại sau đó trong cơ sở hạ tầng góp phần tạo ra nạn đói trên diện rộng hồi giữa thập niên 1990. Sau nhiều năm kiệt quệ, Trung Quốc đã đồng ý thay thế Liên bang Xô viết trở thành nhà cung cấp và viện trợ chính, với hơn 400 triệu USD hỗ trợ nhân đạo hàng năm.[25] Từ năm 2007, Triều Tiên cũng nhận được các khoản cung cấp dầu nhiên liệu nặng và hỗ trợ kỹ thuật lớn như được cam kết trong khuôn khổ các cuộc đàm phán sáu bên Framework.[26]

Một thửa ruộng tại CHDCND Triều Tiên

Sự tương phản rõ rệt giữa hai miền Triều Tiên trong phương diện phát triển có thể quy về một yếu tố đó là bản chất và chất lượng của chính quyền. Trong nửa thế kỷ qua, Hàn Quốc đã phát triển như một nền kinh tế toàn cầu và trở thành một cường quốc dẫn đầu khu vực trong khi đó, CHDCND Triều Tiên vốn từng có thời phát triển hơn nhưng về sau lại bị suy sụp và bị tụt lại phía sau. Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên chủ yếu tập trung vào hai mảng công nghiệp và nông nghiệp. Hoạt động thương nghiệp chủ yếu thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ. Thủ đô Bình Nhưỡng là nơi có nền kinh tế khá hơn cả. Một số dự án khác có hợp tác với Hàn Quốc như khai thác tại khu công nghiệp Kaesong. Hàng năm, Ủy ban Kế hoạch Trung ương chuẩn bị, giám sát và thực hiện các kế hoạch kinh tế, trong khi một Văn phòng Tổng Công nghiệp tỉnh trong các khu vực chịu trách nhiệm về việc quản lý các cơ sở sản xuất địa phương, sản xuất, phân bổ nguồn lực và bán hàng.

Mặc dù vậy, CHDCND Triều Tiên vẫn đi theo chính sách kinh tế biệt lập và theo đuổi chương trình hạt nhân gây tranh cãi, hậu quả là nền kinh tế nước này vẫn liên tục gặp không ít khó khăn. Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên gần như đứng im, và trong thập niên 1990 nước này vẫn chưa sản xuất đủ lương thực cho người dân và phải cần tới sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga[27] Tình hình càng thêm khó khăn khi cộng đồng quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt khi nước này thử hạt nhân và tên lửa hồi khiến việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế của Triều Tiên bị hạn chế[22]

Theo đánh giá vào năm 2011, CHDCND Triều Tiên là nền kinh tế tập trung và kém hội nhập nhất trên thế giới và tình trạng kinh tế hiện nay của CHDCND Triều Tiên là không tốt mặc dù trong thập niên 1970, nước này từng là một trong hai quốc gia công nghiệp chính tại châu Á, có trình độ tương đương Nhật Bản, nhưng hiện tại GDP bình quân đầu người chỉ đạt 1.800 USD mỗi năm và 25% dân số bị thiếu dinh dưỡng. CHDCND Triều Tiên là một trong những quốc gia ít cởi mở nhất thế giới với rất nhiều vấn đề mãn tính về kinh tế.[28] Ngành công nghiệp CHDCND Triều Tiên bị sa sút trong nhiều năm, chi phí quân sự lớn đã rút đi tài nguyên cần thiết cho đầu tư và tiêu dùng của người dân.[28] Sau một năm nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un lên điều hành đất nước thay cho người cha, CHDCND Triều Tiên đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế.[29] Khi cố lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-il, qua đời tháng 12 năm 2011, ông đã để lại cho con trai một nền kinh tế kiệt quệ. Nhưng nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un đã kêu gọi có những biện pháp chuyển hướng mạnh mẽ trong việc cải thiện tình trạng nghèo nàn của nền kinh tế.[30] Mặc dù vậy, để có nguồn vốn xây dựng nền kinh tế, CHDCND Triều Tiên đã phải bán một lượng vàng dự trữ cho Trung Quốc để nhằm cứu vãn tình thế, năm 2013, CHDCND Triều Tiên đã bán hơn 2 tấn vàng cho Trung Quốc để thu về 100 triệu USD dù phải đi ngược lại chỉ thị không bao giờ được bán vàng dự trữ quốc gia của Kim Nhật Thành.[31][32]

Cũng có những nhìn nhận khác từ bên ngoài đánh giá lại tình hình Triều Tiên, theo đó, CHDCND Triều Tiên không quá nghèo nàn và khép kín như người ta tưởng. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào CHDCND Triều Tiên chiếm 67,2% tỷ lệ nhập khẩu của nước này, từ Hàn Quốc là chiếm 19,4% và từ Liên minh châu Âu (EU) là 3,6%. Hàng xuất khẩu của CHDCND Triều Tiên đi Trung Quốc chiếm 61,6%, đi Hàn Quốc chiếm 20% và đi EU chiếm 4%. Danh sách các đối tác kinh tế quan trọng đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Ở CHDCND Triều Tiên, công việc khó khăn nhất là giải quyết nạn đói đã được thực hiện xong. Nông dân đã có thể giữ lại sản phẩm mình làm ra để lo cho gia đình và bán ra thị trường thay vì nộp lại toàn bộ cho nhà nước và hưởng theo chế độ phân phối. Nạn đói ở CHDCND Triều Tiên đang dần được giải quyết. CHDCND Triều Tiên thậm chí có trở thành "con rồng nhỏ" của châu Á nếu cứ tiếp tục đà cải cách này và đồng thời, thiết lập được "một nhà nước hiện đại". Tuy nhiên, khó khăn đối với chế độ Bình Nhưỡng không chỉ có kinh tế mà còn cả về mặt ý thức hệ và pháp lý.[33][34]